Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Buổi sáng ở nhà mình

Cái gì quen thuộc quá thì mình ít để tâm suy nghĩ và nhớ đến nó. Chẳng hạn như cái không gian buổi sáng ở chung quanh nhà mình, khi đi xa mình mới chợt nhận ra.
Thời gian mình ở nhà vợ chồng con gái lớn, thời tiết bấy giờ đang vào thu. Trời bên ngoài se se lạnh, gió thổi buốt trên hai má, lạnh cứng cả hai vành tai. Có hôm, trời lất phất mưa giống như mưa phùn ở bên ta vậy. Nhưng phòng ngủ đóng kín cửa, không gian trong phòng ấm áp vì có lò sưởi, mình trùm đến hai cái chăn nên ngủ rất say. Thế mà sáng nào cũng được đánh thức bằng một hồi chuông nhà thờ kéo dài vào lúc sáu giờ sáng. Có bữa nằm nán lại trong chăn mà mình đếm được tất cả là một trăm ba mươi tiếng chuông cùng với âm thanh ngân nga của nó cũng kéo dài khoảng mười phút đồng hồ. Dậy đi thôi! Ra khỏi chăn vào lúc này thật là khó khăn! Thế mà cũng quen dần với buổi sáng ở đây...
Khi về lại nhà mình, buổi sáng đầu tiên sao mà vui quá! Mình được đánh thức bằng những âm thanh thật dễ thương! Sân trước, tiếng những con chim sâu líu ra líu ríu chuyền tanh tách trong vòm cây sơ ri, cây mận hay tán cây sa kê nghe rộn ràng quá chừng! Sân sau cũng rộn rã không kém. Âm thanh trong trẽo, sắc lẽm, ngân nga của bầy chim chìa vôi, trao trảo đùa trong tán cây me rậm rạp (lại gợi nhớ âm thanh một thời nào xa xăm lúc mình còn bé ở quê ngoại). Trên mái nhà sau, âm thanh tanh tách của tiếng chân chuyền hòa cùng âm thanh ríu rít trò chuyện rộn ràng của bầy se sẻ nhỏ nhắn xinh xinh.
Vậy đó...tiếng chim râm ran tình tự suốt buổi sáng như âm thanh đặc trưng của vườn nhà mình. Ôi, khu vườn mà có lần bạn bè ví von: khu rừng nguyên sinh giữa lòng thành phố Bến Tre...Sao mà thương đến thế buổi sáng ở nhà mình!

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

CHO TÌNH YÊU MÃI XANH






Hôm nay, 14 tháng 2, Valentine’s Day. Kế hoạch của mình: dọn lại tủ chén, lau sạch bếp, nấu một bữa ăn ngon đãi ông xã.
Bữa cơm trưa nay gồm 2 món: Bắp bò luộc với gừng cuốn bánh tráng, bún, rau thơm chấm với mắm nêm + Lẫu thái ăn với bún. Ăn cơm xong chưa tới 12 giờ vì hôm nay ông xã đi dạy lúc 13 giờ 30. Mình đang rửa chén, con gái út gọi điện về chúc ba má một Valentine’s Day vui vẻ, hạnh phúc. Con gái hỏi hôm nay ba má làm gì? Mình nói ba má vừa ăn một bữa cơm ngon rồi kể lại thực đơn cho con nghe. Con gái nũng nịu: Con nghe thôi mà bắt thèm! Mai mốt con về má làm món này cho con ăn với nghen! Rồi lại òn ĩ: Má ơi! Ăn ngon chưa đủ đâu má! Phải có hoa và chocolat nữa chớ! Má nói với ba đi! Hôm tết con có tặng cho ba má chocolat để trong tủ lạnh đó, ba má lấy ra ăn chưa? À, má nhớ rồi, để má đem ra thưởng thức…
Hoa lá chung quanh nhà đủ thứ: Lan Hồ Điệp, Dendro, Tú Cầu, Vũ Nữ, Lan Đất…, Cúc vàng, Cúc tím…, Vạn thọ, Soi nhái, Móng Tay, Hoa Giấy, Hoa Đậu Biếc, Hoa Dừa Cạn, Hoa Trang đỏ, Trang hồng, Trang vàng, Hoa Hồng, Hoa Sứ Thái Lan, Hoa mỏ kéc… Tất cả các thứ hoa ba đã trồng cho má quanh năm, ngày nào cũng có, đâu đợi đến Valentine’s Day!
Nhưng để theo lời yêu cầu của con gái út, má sẽ cắm một lọ Lá Dứa nhé! Hương thơm Lá Dứa và màu xanh tươi mát như một ước nguyện cho Tình Yêu mãi xanh, con nhé!

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

VÔ ĐỀ

Sau khi học giáo lý đến bài "Quy y Tam Bảo", mình mới biết tủ kệ đựng kinh sách của mình thật là "vô trật tự" nên dành một buổi để sắp xếp lại kệ sách theo phân loại Kinh, Luật, Luận. Trong lúc sắp xếp, tình cờ gặp lại bài thơ của Sư cô Liên Khiết tặng cho mình. Đọc lại mình thấy thật an lạc, bèn đưa vào "vườn mùa thu" của mình để chia sẻ với bạn bè và để tự nhắc nhở mình hàng ngày...

Suốt ngày gieo tạo thiện duyên
Cầu xin
giấc ngủ bình yên
nhẹ nhàng
Không mừng,
không giận,
muốn ham
Không thương, không ghét,
không buồn, không vui...
Đến khi
từ giã cõi đời
Cầu như giấc ngủ hiện thời
mỗi đêm.


Nam Mô A Di Đà Phật.
02-9-2007
Sư Cô Liên Khiết


Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

TRÁI GẤC CUỐI MÙA

Dây gấc “ăn theo” giàn hoa giấy và vạn huê lầu trước cổng nhà thế mà cũng cho hơn 10 trái. Tháng trước, ảnh hưởng cơn bão tên gì đó, mưa gió một chiều thổi sập giàn hoa. Ông xã lại bắt thang leo lên cắt trụi lủi trụi lơ giàn hoa kiêm giàn gấc, chỉ chừa lại một dây còn hai trái gấc con đeo tòng teng. Mình tưởng hai trái này sẽ chín héo mất nhưng không ngờ sức sống của loài dây leo này cũng mạnh mẽ. Kết quả: đây là hai trái tròn nhất, chín đều và màu đẹp nhất. Có lẽ hai trái gấc cuối mùa nên hưởng tất cả “tinh hoa” của dây gấc chăng?
Chỉ còn hai trái cuối mùa nên mình không nấu cơm gấc mà chuyển sang “xôi gấc” với một lý do chính đáng là “Ăn riết gần phát ớn rồi!” (chú thích: đây là lời của ông xã!). Trái thứ nhất, trộn với một ký nếp đã ngâm và vo kỹ với muối, xong để vào “chỏ xôi” có lót lá dứa và rưới nước cốt dừa béo ngậy. Phải gần bốn tiếng đồng hồ để hấp chín món xôi gấc chớ ít sao! Mới nhìn dĩa xôi nóng là đã thèm rồi, nhưng khi nếm thử mới thấy vị xôi hơi mặn. Chết chưa! Có lẽ mình nêm muối vào nước cốt dừa hơi quá tay…
Đến chiều tối, đem xôi gấc lên góp vào buổi họp mặt ở “quán nửa khuya”, mình nói trước xôi hơi mặn, chị Hoàng bảo xôi có vị mặn dễ ăn (!) còn chị Mịnh thì “khen xôi như vầy mới là xôi chứ!”. E hèm…mình mắc cỡ quá đi, mấy chị ăn dùm, em cám ơn! Hi…hi…!
Hôm nay còn trái gấc cuối cùng, để “lấy lại uy tín” của lần trước “xôi mặn muối”, mình nấu “cơm nếp gấc”. Lần trước dùng chỏ xôi thấy “tốn nhiều năng lượng” quá nên mình muốn “tiết kiệm” một chút. Mà thời nay nấu cơm thì nấu bằng nồi cơm điện chớ chẳng mấy khi nấu bằng nồi thường, bếp ga, trừ khi cúp điện. Chết nữa! Mình chưa bao giờ nấu cơm nếp bằng nồi cơm điện! Làm sao đây? Xem trên bảng Menu của nồi thấy có mấy chế độ nấu như thế này: Porridge, Brown rice, Mixed rice, Sweet rice. Thôi thì để chế độ Sweet rice thử. Mới bấm nút được 15 phút, nồi cơm đã “bíp, bíp…” một hồi 6 tiếng, đèn sáng nhảy qua nút Keep Warm. Ồ! Sao nhanh thế! Thật đỡ tốn năng lượng! Lát sau, mình mở nắp ra định xới cơm cho tơi thì giật mình vì thấy nếp vẫn y nguyên hột! Lại suy nghĩ làm sao đây? Thôi thì bấm lại nút Brown rice mình nấu cơm hàng ngày vậy. Lại chờ thêm hơn một giờ đồng hồ nữa mới nghe tín hiệu “bíp, bíp…”
Vậy là mình đã “tính già hóa non” mất rồi! Nếu biết thế thì mình cho nếp vào “chỏ xôi” như lần đầu vậy! Cái cách làm truyền thống của ông bà ta tuy có hao năng lượng một chút (mà ngày xưa ông bà mình nấu bằng củi, bằng than cháy rất đằm, nóng rất đượm) nhưng hột nếp nở đều, xôi rất dẻo mà không hề bị nhão. Nhìn những hạt nếp bóng mượt nước cốt dừa, ánh lên một màu cam đỏ đặc trưng và hương thơm dịu nhẹ của gấc, đố ai “cầm lòng cho đậu”…

Đây là dĩa xôi gấc lần hai. Mấy chị xem dùm em coi “đủ lấy lại uy tín” chưa nha!

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Buổi sáng

Buổi sáng
Tiếng chim rót trong vườn
Tan giấc mộng

Chị mèo già
Cuộn tròn trên sofa
Còn ngái ngủ.

Những chiếc lá me
Lấm tấm trên thềm nhà
Đất thêm hoa

Chú ốc ma
Mải ngồm ngoàm chiếc lá
Quên đường về

Trong thinh lặng
Ngân nga…
Một hồi chuông…

24-8-2011


Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

7.THÍCH QUÁ! VƯỜN CHIM JURONG BIRD PARK.

Hai mẹ con tôi đi bằng xe điện ngầm MRT đến ga Boon Lay, rồi đi xe bus SBS 194 đến Vườn chim Jurong (Jurong Bird Park). Tuy không phải là ngày cuối tuần nhưng hành khách cũng chật ních trên xe. Phần lớn là các gia đình dắt con cái đi chơi. Trong mấy ngày tham quan ở đây, tôi thấy nơi này là điểm tham quan có đông trẻ con nhất.

Vườn chim Jurong rất rộng, ước khoảng hơn 20 ha, là nơi cư trú của hơn 9000 cá thể chim thuộc hơn 600 loài khác nhau. Jurong Bird Park được công nhận là công viên chim lớn nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Vườn chim nằm ngay dốc phía Tây của ngọn đồi Jurong xinh đẹp với nhiều hồ nước trong vắt, những thác nước trắng xóa, những thảm cỏ xanh rì, những vườn hoa rực rỡ sắc màu, những khu rừng rậm rạp…Thế giới chim rất đa dạng và nhiều chủng loại phong phú: từ các loài sang trọng như thiên nga, hoàng hạc, trĩ, đà điểu, sáo, vẹt, kéc… cho đến những loài bình dân như vịt ta, vịt xiêm, gà tàu, gà lôi, cò, vạc, bồ nông, cú… thậm chí những loài chim ăn thịt như quạ, ó, đại bàng, kênh kênh… cũng có mặt! Mỗi loài chim một màu sắc: trắng tinh khôi, hồng phơn phớt, vàng kim óng ánh, vàng nghệ, đỏ như mặt trời, như ánh lửa, xanh mướt như lá non, nâu thẫm, đen tuyền, nhiều màu xen lẫn … tạo thành một bức họa nhiều màu sắc!
Bước đến khu Waterfall, du khách sẽ ngỡ ngàng trước những con suối róc rách, những thác nước trắng xóa (tất cả đều là phong cảnh nhân tạo), là chỗ cư trú của hơn 1500 chú chim Châu Phi. Chuồng chim Đông Nam Á với những cơn bão nhiệt đới nhân tạo dành cho những con chim xứ nóng. Loài cú sống trong những “địa đạo” có tên “Vương quốc của bóng tối”, đang mở to những đôi mắt tròn xoe, nhìn du khách qua lại với cái nhìn buồn thảm.
Loài chim cánh cụt sống ở Hồ Penguin Parade, một “Ngôi nhà Nam cực” bằng kính, nơi nhiệt độ luôn dưới 0 độ, để băng không bao giờ tan chảy. Mặc cho du khách nối đuôi đi qua trước mắt, ngắm nghía, chỉ trỏ, trầm trồ, chúng vẫn thoải mái đùa giỡn, rượt đuổi, chọc phá vô tư. Có những gia đình yêu thương, trìu mến nhau rất hạnh phúc bình an. Nơi này, trên mặt hồ trong xanh, từng cặp thiên nga trắng muốt đang âu yếm hôn nhau. Nơi khác, từng đàn hồng hạc kiêu hãnh ngẩng cao đầu, trêu ghẹo, cãi cọ bằng một thứ âm thanh ồn ào, vui nhộn.
Khi hai mẹ con tôi vừa đặt chân đến vườn cát, nơi cư trú của loài đà điểu, cũng là lúc đến giờ ăn trưa của chúng. Từng chiếc xô đựng chuối đã được các nhân viên chăm sóc đà điểu sắp sẵn trước cổng chuồng. Du khách có thể nhận mỗi người một, hai quả chuối để cho lũ chim háu đói kia đang háo hức, chầu chực. Những chiếc đầu be bé, lông tóc lơ thơ, đang nghiêng nghiêng ngó ngó chúng tôi. Vừa nhác thấy những bàn tay của du khách chìa những quả chuối chín vàng đưa qua cổng chuồng, chúng đã vội vã chen lấn nhau. Những chiếc mỏ bé xíu (so với thân chim) nhanh nhẹn tranh nhau đớp từng quả chuối, nuốt vội rồi há miệng tiếp tục xin ăn. Không khí thân thiện giữa người và chim đã tạo nên những âm thanh ồn ào, sôi động. Tiếng cười nói của du khách hòa cùng những tiếng “krét…krét…” phát ra từ cổ họng của chim như một bản hợp xướng lộn xộn mà vui tai! Chỉ thoáng chốc, mấy xô chuối đã hét veo và giờ ăn kết thúc. Một vài chú đà điểu háu đói còn nấn ná ra vẻ tiếc nuối, các chú khác đã lần lượt tản ra rượt đuổi nhau chạy tung tăng.
Sau khi lang thang khắp mọi chỗ, chân cẳng bắt đầu mỏi, chúng tôi dừng chân nơi “Nhà hát trung tâm” chờ xem chương trình biểu diễn đặc sắc của những loài chim sang trọng. Dưới tán dù rộng che mát một khoảng sân chừng 500 mét vuông, các băng ghế từ thấp lên cao sắp sẵn theo hình vòng cung bao quanh sân khấu lộ thiên đang mời mọc chúng tôi. Tiếng nhạc nổi lên rộn rã, chương trình biểu diễn bắt đầu. Mở màn là tiết mục “Chào hỏi”. Một đàn hoàng hạc lúp xúp nối đuôi nhau chạy ra xếp hàng, cúi chào, rồi trình diễn vũ điệu flamenco uyển chuyển thật nhịp nhàng và chuyên nghiệp. Khi âm nhạc chuyển sang điệu samba, đàn chim bạch hạc túa ra nhảy múa vui nhộn và sống động. Cô xướng ngôn viên vừa là người điều khiển chương trình vũ điệu của chim luôn miệng giới thiệu vừa dí dỏm vừa duyên dáng cũng góp phần hấp dẫn du khách. Tiếp theo là trận thi đấu “Bóng rổ” rất thú vị của hai chú kéc dưới sự giám sát của trọng tài kiêm xướng ngôn viên. Chú kéc vàng mỏ đỏ có vẻ chuyên cần dùng mỏ nhặt thật nhanh những quả bóng trên phần sân của mình đem bỏ vào giỏ lưới. Còn chú kéc xanh mỏ vàng có vẻ chễnh mãng hơn, vừa bước ra sân, chú bắt đầu lân la, ngắm nghía tới lui vài ba bận, rồi mới đi đến chỗ để bóng, nhẹ nhàng nhón một quả, nhảy chân sáo đến bỏ vào giỏ lưới. Trong khi chú kéc vàng đã nhặt đến quả bóng cuối cùng, thì chú kéc xanh vẫn còn nhẫn nha, đủng đỉnh với hai quả nữa. Tiếng cỗ vũ, những tràng pháo tay vang dội cũng không làm cho chú kéc xanh thay đổi “phong cách chơi”. Cô trọng tài vừa thổi còi vừa đếm 1,2,3…Tiếng “ba” vừa dứt, chú kéc vàng đã được công bố là “kẻ thắng trận”. Khán giả hoan hô nhiệt liệt trong tiếng hò reo, huýt sáo không dứt. Kẻ chiến thắng không biểu lộ vui mừng mà kẻ chiến bại cũng không tỏ vẻ buồn bã gì hết! Sau khi hoàn thành tiết mục biểu diễn của mình, mỗi chú kéc đều được cô trọng tài thưởng cho một miếng mồi đưa vào tận miệng.
Một tiết mục vui tiếp theo là một cô kéc xanh khác hát tặng khán giả bài hát “Happy birthday”. Sau lời giới thiệu đầy ấn tượng của người dẫn chương trình, cô nàng kê chiếc mỏ màu đỏ tươi sát vào micro và cất giọng “kéc xanh” (chớ không phải “oanh vàng”) thỏ thẻ. Thú vị biết bao khi nghe giọng hát trong trẻo và nhí nhảnh của “nữ ca sĩ”! Có lẽ phải công phu luyện tập nhiều lắm mới có được tiết mục đặc sắc này. Trong khi “ca sĩ kéc” hát, các khán giả “nhí” cũng hòa giọng hát theo, khiến cho không gian âm nhạc vui nhộn cả một góc trời Vườn chim Jurong.
Âm nhạc vừa dứt, từ trên chòi cao, một chú vẹt màu sắc rực rỡ lao ra, bay vòng quanh khán trường hai, ba vòng như chào khán giả, rồi dừng chân đậu trên vai của một nhân viên điều khiển chương trình. Một nhân viên khác đứng ở góc đối diện tay cầm một chiếc vòng tròn có dán giấy bóng kính màu đưa lên cao, miệng gọi tên chú vẹt. Xẹt một cái, chú vẹt hồ hỡi lao tới, dùng mỏ đâm thủng lớp giấy bóng kính, bay vèo qua, đậu trên cánh tay của một nhân viên khác nữa. Khán giả vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Anh nhân viên nhanh nhẹn và khéo léo đút vào mỏ chú vẹt một miếng mồi thưởng công cho “chàng”. Chú chàng tỏ vẻ khoan khoái, líu ríu những âm thanh vui vẻ như cảm ơn.
Càng về cuối, chương trình biểu diễn càng sôi động náo nhiệt khi cô dẫn chương trình yêu cầu: “Ai xung phong?”… Khán giả đưa tay xin hưởng ứng thật đông đảo. Cuối cùng, người dẫn chương trình cảm ơn khán giả và chỉ xin chọn hai người, một cô gái đứng trên băng ghế, tay giơ lên cao tờ giấy bạc 10 đô Sin và một nam thanh niên, dạn dĩ, có vóc dáng cao ráo, khỏe mạnh đáp ứng được yêu cầu đưa cánh tay làm “giá đỡ” cho một chú chim khác đang chuẩn bị biểu diễn. Đây là tiết mục “xin tiền” rất ngoạn mục. Từ bên trong những vòm cây sum suê, vụt bay ra một cánh chim đại bàng màu xám. Đây là loại chim hung dữ với chiếc mỏ quặp rất sắc và sải cánh khá rộng. Sau khi lượn vài vòng quanh khán trường, chú sà xuống đậu trên cánh tay của người thanh niên xung phong. Anh thanh niên thoáng chút giật mình nhưng cũng đủ bình tĩnh gồng cánh tay thật rắn chắc đỡ toàn bộ sức nặng của chú chim khổng lồ này. Tiếng vỗ tay vỡ ra những âm thanh rào rào. Chưa kịp dứt đợt vỗ tay thứ nhất, tràng vỗ tay thứ hai cấp tập, tới tấp, dòn dã hơn, nồng nhiệt hơn, khi chú đại bàng vụt cất cánh về phía cô gái xung phong kia, khéo léo gắp lấy đồng tiền 10 đô một cách ngoạn mục, trong lúc cô gái đang sợ hãi nhắm nghiền hai mắt. Thật là ấn tượng! Tôi cũng không ngờ con đại bàng to và có vẻ nặng nề ấy lại bay lượn rất nhẹ nhàng và sử dụng cái mỏ sắc nhọn gắp tờ giấy bạc nhỏ nhắn một cách điệu nghệ, “trên cả tuyệt vời”! Gắp được tờ giấy bạc xong, chú lượn mấy vòng trên không một cách thích thú trước khi hạ cánh chính xác trên cánh tay của cô dẫn chương trình đồng thời thả tờ giấy bạc vào lòng bàn tay của cô gái. Lập tức, cô dúi vào chiếc mỏ cứng sắc ấy một miếng mồi tươi (một con cá nhỏ) thay cho lời tán thưởng. Con gái tôi luôn miệng: Thích quá má ơi! Thích quá! Vậy mà con không biết chương trình biểu diễn hay như vậy nên bỏ qua sô diễn lúc 10 giờ rồi! Tiếc quá! Mai mốt đi nữa nha!
Trong bóng hoàng hôn sắp tắt, mẹ con tôi ra trạm xe buýt trong câu chuyện Sở thú mình cần qua đây học tập Vườn chim để có được những sô diễn hấp dẫn du khách mới được! Và suốt trên đường về, cô con gái “rượu” của tôi cứ vẽ vời một Sở thú tương lai vào năm 2017, khi “cháu ngoại tương lai” của tôi tròn 5 tuổi…

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

Gởi hai trẻ.

Mấy ngày nay soạn sách vở cũ, mình tìm lại được tập thơ một thời "lãng mạn" lúc đi dạy ở Thạnh Phú. Mừng sao là mừng! Được sống lại những kỷ niệm của thời thơ trẻ, mình thấy lòng phơi phới thanh tân. Trong tập thơ, mình có chép bài thơ của Mẹ tặng cho "hai đứa" lúc mới "yêu nhau". Ngày xưa, mình đọc bài thơ chỉ "cảm xúc" dạt dào trước tình thương của Mẹ. Bây giờ đọc lại mới thấy Mẹ rất yêu thương mình và cũng rất hiểu "con trai của Mẹ"! Lời thơ của Mẹ vừa dự cảm tương lai vừa nghiêm khắc dặn dò. Ôi! Thương Mẹ biết bao nhiêu! Mẹ ơi!

Gởi hai trẻ

Mấy vần thơ gởi các con,
Một trăm ngày bệnh mỏi mòn tâm tư.
Run run thị phách dật dờ,
Ngăn giòng cảm xúc lướt chờ…bệnh qua.
Nghề con không phải nghề thơ,
Giáo sư văn nghệ mộng mơ ít nhiều.
Tình thơ ôm ấp nâng niu,
Xin đừng lầm lẫn cô liêu hận nàng.
Cái ghen là cái phụ phàng,
Cánh chim hạnh phúc dễ dàng xa bay.
Trò đời lắm chuyện lá lay,
Chớ mang vận ý trao người ngoài ta.
Bể yêu dầu mấy bao la,
Tình đầu tình cuối chỉ ta với nàng.
Trăm năm một chuyến sang ngang…
Bệnh viện, 14-2-1978
Mẹ Trần Thị Đạm (Đạm Thanh)